Xin chào, mình hiện là một du học sinh tự túc đang sinh sống và học tập tại Nhật Bản. Qua bài viết này, mình muốn chia sẻ tới bạn về cách quản lý chi tiêu và tiết kiệm của mình trong những ngày tháng khi là du học sinh. Mong rằng, chúng sẽ có ích đối với bạn.
(Ở đây mình không nhắc đến “quản lý tài chính” bởi vì vấn đề này rất rộng và mình cũng không có đủ kiến thức để chia sẻ về nó.)
Mình quản lý chi tiêu bởi vì đây là một việc khá quan trọng, nhất là đối với một du học sinh tự túc tại một đất nước có giá cả đắt đỏ như Nhật Bản. Và mình nghĩ rằng, bất kỳ ai cũng nên quản lý chi tiêu.
Qua việc quản lý chi tiêu, mình có thể nắm rõ “đồng ra đồng vào” trong từng tháng, từng năm cũng như trong các khoản chi cố định và linh hoạt,…
Ngoài ra, còn giúp mình hạn chế việc tiêu tiền quá mức vào những thứ không cần thiết. Nếu 30 ngày vừa rồi có lỡ tay “xõa” thì nhìn vào bảng chi tiêu, ta cũng có thể biết để điều chỉnh lại vào tháng sau.
Hơn nữa, mình hình thành được thói quen quản lý bản thân một cách hiệu quả thông qua việc chi tiêu đúng cách. Và việc này cũng giúp mình trở thành một người có kế hoạch hơn trong học tập cũng như cuộc sống.
Từ những ngày mới sang Nhật, mình đã có thói quen giữ lại tất cả những hóa đơn mua hàng rồi cộng tổng thành từng khoản sau đó ghi chép lại vào sổ chi tiêu. Tuy nhiên, việc giữ lại hóa đơn này cũng có mặt hạn chế đó là sẽ khá mất thời gian và phải giữ lại hóa đơn.
Một thời gian sau đó, mình chuyển sang cách quản lý dạng “phong bì”. Sau khi nhận lương, mình sẽ chia nhỏ số tiền ra các phong bì khác nhau (tiền sinh hoạt, ăn ngoài, tiết kiệm,…) và chỉ được dùng số tiền có trong phong bì. Cách làm này khá dễ dàng cho người mới bắt đầu, tuy nhiên nếu sống 2 người trở lên sẽ gặp phải chút khó khăn trong việc chi tiêu.
Phương pháp hiện tại mình đang áp dụng đó là quản lý bằng ứng dụng trên điện thoại và máy tính. Nhắc tới ứng dụng thì có thể kể ra một số cái tên như excel (để sử dụng, người dùng cần một số kiến thức cơ bản về các thao tác trên excel), money lover (có thể sử dụng trên nhiều thiết bị cùng lúc), hay misa (một ứng dụng có giao diện tiếng Việt thân thiện và phù hợp với người Việt),…
Cá nhân mình thì mình chọn ứng dụng Notion (all in one: tất cả trong một) – cái tên khá nổi tại Việt Nam trong vài năm gần đây. Khác với những ứng dụng quản lý tài chính, chi tiêu cá nhân kể trên thì Notion có một giao diện hết sức đơn giản, giúp người dùng có thể thỏa sức thiết kế, “trang trí” theo ý muốn, tuy nhiên đây cũng sẽ là một điểm khó dùng khi mới làm quen với Notion.
Nếu bạn là một người thích sự giản dị và sự sáng tạo thì nên thử bắt đầu với Notion, một đứa không giỏi tiếng Anh, mù công nghệ như mình cũng đã có thể dùng và xây một căn nhà trên Notion thì chắc chắn bạn cũng làm được.
Ngoài ra, bạn có thể xem thêm về cách mình áp dụng Notion vào quản lý bản thân tại đây nhé!
Trong gần năm năm vừa học vừa làm, những lúc khó khăn về kinh tế, những khi thất nghiệp thì mình đã nhiều lần được “cứu vớt” nhờ thói quen tiết kiệm tiền. Dưới đây là một số việc làm đã và đang hỗ trợ mình trong việc “nuôi và chăm heo”.
Kiếm tiền là một việc quan trọng, chi tiêu thế nào, quản lý ra sao và tiết kiệm bằng cách nào cũng là những việc làm vô cùng cần thiết. Bản thân mình rất coi trọng việc quản lý chi tiêu, nhờ đó mà trong những năm tháng du học mình đã có thể duy trì cuộc sống sinh hoạt ổn định khi ở một mình mà không phải đi làm quá nhiều.
(Mình nghe nhiều người nói rằng ghi chép mất thời gian nên thành ra không làm. Nhưng cá nhân mình thì không nghĩ thế, mỗi tháng dành ra một ngày cố định rồi tổng kết lại thì cũng chỉ mất nhiều nhất là 30 phút thôi.)
Mỗi người sẽ có một suy nghĩ cũng như cách chi tiêu và quản lý tiền bạc khác nhau. Trên đây chỉ là cách làm của mình, mong rằng bài viết mang lại cho bạn một số tham khảo cũng như suy nghĩ khác về việc chi tiêu trong cuộc sống. Cảm ơn bạn vì đã đọc bài viết.
Hẹn gặp lại trong những bài viết tiếp theo.