Mình đã đọc sách tiếng Nhật như thế nào?

Không nhớ có biết bao nhiêu lần mình “bắt đầu” rồi “từ bỏ” với những cuốn sách tiếng Nhật nữa. Tuy rằng rất muốn đọc hết các cuốn sách nhưng bắt đầu chưa được bao lâu, mình lại “bại trận” và gác lại cuốn sách vào một góc phòng nào đó.

Là một người yêu sách và đã gắn bó với Nhật Bản nhiều năm, đọc sách tiếng Nhật là ao ước mình muốn thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, việc đọc sách tiếng Nhật không hề dễ dàng như mình vẫn tưởng tượng. 

Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ tới bạn cách mà bản thân đã áp dụng và cảm thấy hiệu quả trong việc đọc sách tiếng Nhật nhé.

 

1.Những lý do khiến việc đọc bị “bỏ dở giữa chừng”.

Sau nhiều lần đọc rồi bỏ dở, mình đúc kết lại được một vài nguyên nhân khiến bản thân dễ dàng dừng lại:

  • Trước khi đọc sách, mình chưa có mục tiêu rõ ràng, chẳng hạn như đọc cuốn sách này để làm gì? Tại sao mình lại chọn nó?,…
  • Mình chọn cuốn sách không phù hợp về nội dung và trình độ của bản thân. Cuốn sách quá khó hoặc mang chủ đề mà bản thân không có hứng thú.
  • Mình chưa chọn được phương pháp đọc phù hợp.
  • Sách tiếng Nhật có nhiều chữ Hán và thường trình bày theo hàng dọc nên rất khó đọc nếu chưa quen.

 

2. Cách đọc sách của mình

Giai đoạn bắt đầu đọc sách tiếng Nhật, mình chọn những cuốn sách phát triển bản thân, cụ thể là về những thói quen. Trong quá trình đọc, nếu xuất hiện những từ mới hoặc cụm từ hay mình sẽ dùng bút highlight để đánh dấu lại, sau đó tra nghĩa và ghi vào ngay bên cạnh từ đó. 

 

Vì muốn hiểu sâu hơn nghĩa của câu từ nên mình đã ngồi dịch lại sang tiếng Việt sau khi đọc qua một lần bằng tiếng Nhật. Tuy nhiên, do chưa có kỹ năng dịch nên mình gặp khó khăn, mất nhiều thời gian mà không mang lại hiệu quả, ngược lại chỉ khiến đầu óc thêm rối và tự trách bản thân mình kém cỏi.

 

Mình từng thay đổi nhiều cách đọc khác nhau, mỗi cách đều sẽ có ưu và nhược điểm riêng. Dựa trên những lý do đã nêu ở phần một, mình rút ra bài học cho chính bản thân. Sau cùng, mình chọn được một phương pháp phù hợp cho bản thân và áp dụng cho tới thời điểm hiện tại.

 

Đầu tiên, mình không còn đọc vì nhất thời nổi hứng nữa mà xác định mục tiêu đọc cho bản thân bằng cách trả lời 3 câu hỏi sau:

  • “Mình đọc cuốn sách này để làm gì?”
  • “Cuốn sách này có những nội dung mà bản thân đang cần/quan tâm hay không?”
  • “Nếu bỏ dở giữa chừng bản thân sẽ mất đi những gì?”

 

Sau khi có cái đích để hướng tới, mình đặt ra kỷ luật cho bản thân, mỗi ngày sẽ đọc 1~2 trang sách thay vì đọc trong khoảng thời gian 15~30 phút. Khác với sách tiếng Việt, mình không thể dễ dàng vừa đọc vừa hiểu ngay lập tức nội dung tác giả muốn truyền tải, thế nên việc đọc không bị giới hạn bởi thời gian này sẽ giúp mình có thể chậm rãi cảm nhận nội dung và tra cứu từ mới. Mình chọn chất lượng thay vì số lượng.

 

Cách mình ghi chép với ứng dụng Notion

 

Tiếp theo, thay vì chỉ đọc và phó mặc cho trí nhớ thì mình chọn cách ghi chép vào ứng dụng Notion những kiến thức mà bản thân tiếp thu được. Với từ và cụm từ mới mình vẫn sẽ dùng bút highlight để đánh dấu vào sách, sau đó sẽ tổng hợp và ghi lại.

 

Cuối cùng, mình tổng kết lại nội dung vừa đọc bằng cách xem lại phần vừa ghi chú. Mỗi ngày, nội dung trong ứng dụng càng tăng nhiều hơn, đồng nghĩa với việc lượng kiến thức và số trang sách mình đọc được cũng tăng theo, điều này chính là phần thưởng tinh thần với chính bản thân mình trong quá trình đọc sách.

 

3.Bài học đúc kết.

Việc ghi chép trong quá trình đọc (cho dù là sách tiếng Việt hay nước ngoài) là cần thiết nếu chúng ta muốn học tập thông qua sách. Dù mất thêm thời gian, nhưng não chúng ta sẽ khó để nhớ được những nội dung mà bản thân đã tiếp thu được trong sách một cách chính xác và rõ ràng. Một lần ghi lại là một lần ghi nhớ, cho dù sau này có quên thì chúng ta vẫn có thể xem lại nội dung đã ghi và nhớ lại một cách dễ dàng, tiện lợi hơn.

 

Giờ đây, mình không còn cố dịch sang tiếng Việt như trước nữa mà đọc và hiểu bằng tiếng Nhật luôn. Việc này giúp mình có thể hiểu sâu sắc và rõ ràng hơn ý mà tác giả muốn nói, ngoài ra qua đó mình cũng nhận ra vẻ đẹp của tiếng Nhật bên cạnh cảm giác “khó nhằn” mà những trang sách đầy chữ Hán Tự mang tới. Càng đọc, mình càng hiểu hơn cách suy nghĩ, hành văn và cách dùng từ ngữ của người Nhật, đây cũng là một cách mình chọn để tìm hiểu về văn hóa và con người nơi đây.

 

Để “chinh phục” được một cuốn sách tiếng Nhật không phải là một việc dễ dàng đối với mình. Nhưng mỗi lần học hỏi, tiếp thu được điều thú vị, ý nghĩa và những từ mới bổ ích từ sách, mình lại “ồ” lên và cười vì vui sướng, đây chính là liều thuốc tinh thần bổ sung cho mình sức mạnh để vượt qua ý nghĩ “hay là khó quá ta bỏ qua” vẫn luôn thường trực trong tâm trí của mình.

 

4. Chuẩn bị gì để đọc tốt hơn.

Buổi sáng sẽ là thời gian tuyệt vời để nhâm nhi những trang sách. Bởi vì sau khi thức dậy, tâm trí còn chưa vướng bận bởi nhiều suy nghĩ sẽ giúp chúng ta dễ dàng ghi nhớ nội dung cuốn sách. Ngoài ra, việc đọc sách vào buổi sáng còn giúp ta dễ dàng hình thành thói quen, tạo cảm giác đạt được thành tựu vào sáng sớm và mang lại cho chúng ta động lực cho  một ngày đầy năng lượng.

 

Sau khi chọn được một thời điểm phù hợp, tiếp theo bạn nên chọn một  không gian thoải mái và yên tĩnh (tùy vào sở thích, bạn cũng có thể thưởng thức những bản nhạc không lời hoặc tiếng mưa rơi và nhâm nhi  một ly cafe,…). 

 

Cuối cùng, không thể thiếu sự hiện diện của những cây bút highlight và một cuốn sách/ứng dụng giúp bạn đánh dấu và lưu trữ nội dung, thông tin trong quá trình đọc. Đừng quên “sắm” cho mình sự tập trung và tâm hồn hào hứng khi đọc sách bạn nhé! Vì cuốn sách sẽ thú vị hơn rất nhiều nếu như bạn có chúng.

5. Gợi ý

Dưới đây là một số cuốn sách mình nghĩ khá hay và đơn giản để bắt đầu cho người mới.

  • 小さな習慣(スティーヴン・ガイズ)
  • 僕たちは習慣でできている(佐々木 典士)
  • やりたいことは、今すぐにやれ!(有川 真由美)
  • 習慣が10割(吉井雅之)
  • 私は私のままで生きることにした(キム スヒョン)

Cảm ơn bạn đã đón đọc, mong rằng bài viết sẽ có ích với bạn. Hẹn gặp lại!

Bài viết liên quan 

Cách quản lý chi tiêu với Notion

 

About The Author

hana

Chuyển đến thanh công cụ