Cái duyên với Nhật Bản và cuộc hành trình 5 năm.

Ngày 25 tháng 3 năm 2017, tôi rời xa vòng tay mẹ và sự che chở của bố; rời xa mái nhà nhỏ bé ấm áp; rời xa quê hương Việt Nam đến với Nhật Bản – một đất nước mang vẻ đẹp tươi tắn của hoa anh đào cùng sự hùng vĩ của núi Phú Sĩ nổi tiếng.

Thời gian thấm thoát trôi, Nhật Bản đã ôm ấp, nâng niu và bảo vệ tôi suốt 5 năm qua. Đây là quãng thời gian vừa đủ để tôi làm quen và nuôi dưỡng tình yêu của mình đối với đất nước này. 

Có lẽ ông trời đã se duyên cho tôi với Nhật, cho tôi cơ hội “nếm trải” nhiều hương vị của cuộc đời, từ đó viết ra một cuốn sách dài 5 chương – những điều tôi đã trải qua và học được nhờ mối duyên này. Hôm nay, tôi gửi gắm cuốn sách nhỏ này ở đây với mong muốn cất giữ những ký ức đẹp đẽ cùng những lời nhắn, thông điệp ý nghĩa dành cho bản thân mình, cho những ai giống như tôi, đã, đang và sẽ ghé thăm xứ sở hoa anh đào.

 

Chương 1: Cô gái 19 tuổi và cái duyên với Nhật Bản.

 

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi thi đậu vào khoa tiếng Nhật của trường Đại học Đà Lạt. Tuy nhiên, vì một số lý do nên tôi đã chọn sang Nhật du học. Với một đứa chưa từng trải sự đời như tôi khi ấy thì việc sang Nhật quả là một quyết định không mấy dễ dàng. Có lẽ, vì hồi bé hay xem siêu nhân GAO, mê đọc truyện Conan, phải lòng chú mèo máy Doraemon nên lớn lên tôi có duyên được đi Nhật chăng?(cười) 

 

Ở cái tuổi 19, tôi chưa hình dung được bức tranh cuộc đời mình, chưa tưởng tượng được tương lai sẽ làm gì, sẽ trở thành ai. Mười chín năm cuộc đời, đó là lần đầu tiên tôi đi xa nhà. Những giọt nước mắt trong khoảnh khắc tôi quay lưng lại với bố mẹ và bước vào phòng chờ chính là mùi vị của sự chia ly mà trong phim Hàn Quốc vẫn thường hay chiếu. 

Dẫu biết rằng ai rồi cũng phải đi xa, nhưng tôi không ngờ ngày ấy đến nhanh như thế. Cứ như một giấc mơ vậy, giấc mơ bay trên không trung trong vòng

bốn tiếng đồng hồ và rồi tôi hạ cánh tới Nhật Bản, quê hương của Doraemon – nơi có cánh cửa thần kỳ với biết bao điều mới lạ đang chào đón tôi.

 

Cánh cửa thần kỳ của mèo máy Doraemon.

 

Chương 2: Những khó khăn là điểm khởi đầu của sự trưởng thành.

Buổi sáng đầu tiên của tôi tại Nhật Bản bắt đầu lúc 9 giờ sáng, tiết trời se se lạnh cùng chút hương hoa anh đào thoáng qua ngoài cửa sổ, vậy là cuộc sống tại Nhật của tôi bắt đầu rồi.

….

Một năm trôi qua, tôi dần quen hơn với sự tất bật của cuộc sống nơi đây, có khó khăn xen lẫn sự may mắn, có nỗi buồn đan vào những niềm vui. Năm đầu tiên xa nhà, tôi học được một bài học vô cùng đắt giá cho riêng mình – phải biết đặt lòng tin đúng nơi đúng chỗ. Có lần, tôi bị một người lạ “nhẫn tâm” lừa số tiền lớn, tôi bị “cướp” đi tấm vé máy bay trở về thăm gia đình sau một năm đi xa. Là do tôi nhẹ dạ mà tin tưởng đồng hương quá mức, hay vì bấy lâu nay tôi luôn nhìn cuộc sống với đôi mắt long lanh của một đứa trẻ con?

 

Trên đời này có rất nhiều người tốt, chỉ là bản thân tôi chưa biết cách chọn đúng người để trao niềm tin mà thôi. Trải qua những tháng ngày khó khăn về học tập, cuộc sống và trong các mối quan hệ, tôi dần trưởng thành và học được cách bảo vệ quyền lợi và cuộc sống của bản thân. Sống ở nơi xa quả thật không dễ dàng, nhưng đó lại là một môi trường tốt để tôi tự vấp ngã rồi tự đứng lên. 

“Mình không tin ai hết lòng, nhưng mình cũng không nên đa nghi ai quá nhiều.”*

 

Chương 3: Cô sinh viên đại học bước sang một trang mới.

 

Sau hai năm học trường tiếng, tôi thi đậu vào trường đại học Seibu Bunri, bước sang một trang mới với cái mác “sinh viên”. Cuộc sống đại học mà tôi đã và đang trải qua không giống như trong tưởng tượng, không có những buổi tụ tập bạn bè rồi rủ nhau đi ăn vỉa hè sau mỗi giờ tan trường; cơ hội đi tình nguyện, trải nghiệm cũng không nhiều, ngoài giờ lên lớp thì đi làm trang trải cuộc sống, thời gian rảnh rỗi thì làm bài tập và tự do bản thân,… 

Ở Seibu Bunri, tôi quen được cô bạn cùng tên, cùng tuổi, học chung một lớp và những người bạn tốt bụng, vui tính khác; có cơ hội trải qua những giờ học “bận rộn” tai lắng nghe thầy cô, tay thì cầm điện thoại tra từ điển,…

 

Việc học cùng các em nhỏ tuổi hơn, được giao lưu và tiếp thu kiến thức theo cách của người Nhật là một trải nghiệm tôi khó có thể quên trong đời. Giống như một câu mà người học tiếng Nhật thường nói “tiếng Nhật khó nhưng vô cùng thú vị”, cuộc sống đại học ở Nhật cũng thế, sẽ có những khó khăn vì khác ngôn ngữ, văn hóa, nhưng cũng sẽ có những trải nghiệm đặc biệt và đáng để khắc ghi trong tim.

Từ năm hai đại học, vì dịch corona nên tôi chẳng được đến trường và ngồi trên lớp học như trước nữa; cơ hội gặp gỡ, giao lưu bạn bè cũng ít hơn; sự háo hức, vui vẻ của đời sống sinh viên cũng vì thế mà nhạt dần theo thời gian. Cho đến hiện tại, khi đã trở thành cô sinh viên năm cuối, những ký ức và kỷ niệm thời sinh viên trong tôi vô cùng ít ỏi. Tôi luôn mơ hồ suy nghĩ rằng “ước gì được đến trường nhiều hơn, làm quen nhiều bạn và được tham gia nhiều giờ học hơn”, “ước gì corona đừng xuất hiện, để tôi có thể trải nghiệm một cách trọn vẹn bốn năm đại học nơi xứ người”,…

 

Chương 4: “Quay vào bên trong” chữa lành và yêu thương chính mình.

“Yêu bản thân” là cụm từ tôi học được sau 4 năm gắn bó với Nhật Bản. Tôi đã luôn sống bằng cách nhìn vào biểu cảm, thái độ và lời nói của người khác. Thay vì hỏi rằng bản thân có thoải mái, vui vẻ khi làm việc này không, thì tôi lại luôn suy nghĩ xem làm việc này có bị ai phán xét, trách móc hay chê bai gì không?,…

Nhờ những ngày tháng nghỉ làm ở nhà tránh dịch, tôi có điều kiện tiếp xúc với sách và nhiều điều tích cực, dành nhiều thời gian nhìn sâu vào bên trong và bắt đầu “công cuộc” khám phá chính mình. 

Dần dần, tôi thay đổi từ cách suy nghĩ đến lối sống tinh thần và vật chất. Quan tâm hơn tới cảm xúc của bản thân, chăm chút hơn cho sức khỏe của chính mình. Tôi đã từng cho rằng yêu bản thân là mua sắm đồ ăn ngon, quần áo đẹp, dành thật nhiều thời gian để nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Nhưng tôi nhận ra, “yêu” ở đây không phải “nuông chiều” mà là hướng bản thân tới sự kỷ luật và những điều tích cực. Ăn uống no say rồi nằm cả ngày là nuông chiều, chạy bộ rèn luyện sức khỏe mới là yêu thương chính cơ thể mình,…

“Quay vào bên trong”, tôi nhìn nhận và thấu hiểu chính mình, bao gồm điều tốt đẹp cùng những khuyết điểm. Đối diện với phiên bản mà tôi vẫn luôn che giấu – một cô gái không hoàn hảo, không tốt đẹp như người ta vẫn thấy. 

Trong một tập podcast tôi từng nghe, cô Ruby Nguyen có chia sẻ một bí quyết để vượt qua hội chứng “mình không đủ giỏi” đó là thường xuyên nhắc nhở bản thân về sự thật của chính mình – Bạn sinh ra với những giá trị, những tiềm năng vô cùng to lớn ở bên trong bạn, có những giá trị mà chỉ bạn mới có thể tạo ra trên thế giới này. Rằng không một ai trong cả vũ trụ bao la này giống hệt như bạn, có những câu chuyện, những trải nghiệm, thậm chí cả những nỗi đau, những mất mát, những trở ngại giống hệt như bạn. Vì vậy, bạn là một tồn tại có một không hai trên thế giới này. Bạn độc đáo và đặc biệt vô cùng, bạn hoàn toàn xứng đáng với tất cả những ước mơ bạn đang ấp ủ ở trong trái tim bạn. Và bạn hoàn toàn sẵn sàng để theo đuổi những ước mơ đó, bạn đủ tốt bạn đủ xứng đáng.

 

Chương 5: Đam mê viết lách và ước mơ trở thành người “cầm bút”.

Năm 2021, tôi tìm thấy niềm đam mê của bản thân cùng với sự ra đời của trang blog cá nhân – nơi tôi chia sẻ những điều xung quanh cuộc sống, là khu vườn lưu giữ kỷ niệm cùng những câu chuyện đáng nhớ của chính mình.

Với cây bút trong tay, tôi muốn dùng những từ ngữ chân thật nhất mà mình có để tô đẹp hơn cho cuộc sống này; dùng lời văn ý nghĩa và đẹp đẽ nhất để truyền tải yêu thương, kết nối những điều tốt đẹp xung quanh.

 

Lần đầu tiên tôi tin tưởng vào bản thân đến như thế. Ở đâu đó trong trái tim tôi luôn thì thầm với chính mình rằng: “mình tin cậu nhất định sẽ làm được, cố lên!” 

Với đam mê viết lách, tôi ấp ủ cho mình một giấc mơ nhỏ bé, tuy rằng chưa tiện để chia sẻ ở đây, nhưng để thực hiện nó tôi vẫn đang cố gắng và nỗ lực để tốt hơn mỗi ngày. 

“Theo tôi, hạnh phúc là được làm điều mình yêu; Thành công là yêu được việc mình làm…”*

 

Kết

Cuốn sách này cho tôi hồi tưởng lại quá trình lớn lên của bản thân, từ một đứa ngây ngô chưa biết gì, tôi dần dần trưởng thành hơn, bớt tin người, bớt rụt rè; biết yêu thương chăm sóc, quý trọng bản thân và những điều xung quanh; tìm được đam mê và ước mơ để theo đuổi, từ đó nỗ lực và kiên trì để tạo ra cuộc sống mà bản thân mong muốn. 

Có lẽ, nếu như không tới Nhật Bản thì tôi đã không bị lừa nhiều tiền, sẽ không phải chịu sự buồn bã cô đơn một mình như thế. Nhưng nếu không đi, tôi làm sao có cơ hội gặp được những người Nhật tốt bụng, thân thương. Họ mỉm cười và giúp đỡ tôi ngay trong lần đầu gặp mặt và dạy tôi những điều hay ho, thú vị. Nếu ở Việt Nam, tôi khó có thể trải nghiệm một cách chân thật những vẻ đẹp văn hóa cùng nét truyền thống đặc biệt của xứ hoa anh đào. Ở nơi đây, không biết tôi đã trầm trồ ngạc nhiên bao nhiêu lần trước hình ảnh những con đường thẳng tắp không một cọng rác; trước sự chuyên nghiệp, đúng giờ đến từng phút từng giây của mỗi chuyến tàu; sự hài lòng trước nụ cười, thái độ mến khách cùng hình ảnh cúi chào lịch sự của các nhân viên nhà hàng, khách sạn,…

Bốn mùa bốn sắc – xuân, hạ, thu, đông

Cảm ơn Nhật Bản vì đã cho tôi thấy được vẻ đẹp của quê hương mình – dải đất hình chữ S mến thương, gần gũi với cái tên Việt Nam mang đầy  tự hào, đoàn kết. Tôi thêm yêu những món ăn truyền thống, biết nhiều hơn về văn hóa quê hương. Được lắng nghe, được cảm nhận về vẻ đẹp của Việt Nam trong mắt người dân Nhật Bản – một đất nước có món phở thơm ngon cùng những người dân thân thiện, mến khách. Học tiếng Nhật tôi nhận ra tiếng mẹ đẻ của mình thật phong phú, không phức tạp khó hiểu như những chữ Hán lằng nhằng mà vô cùng thú vị với những chiếc mũ chữ “ô” hay cái râu chữ “ơ” thật đặc biệt. Tiếng Việt viết dễ là thế, nhưng “đường dài khúc khuỷu lắm”, không dễ để đọc đâu. 

Quả thật, có đi ta mới biết được sự rộng lớn của thế giới; có trải nghiệm mới biết giới hạn của bản thân; có thất bại, vấp ngã mới biết tự đứng lên mà cố gắng; có mất mát mới biết trân trọng những điều ta đang sở hữu; có ra ngoài mới biết nơi bình yên nhất chính là NHÀ, có đi xa ta mới có cơ hội để TRỞ VỀ.

Trang cuối cùng của cuốn sách khép lại những dòng ký ức 5 năm của tôi tại Nhật Bản. Đồng thời, mở ra một trang mới cho những trải nghiệm thú vị tại nơi đây, tiếp nối chuỗi ngày nỗ lực vì những điều đẹp đẽ trong tương lai phía trước – nơi có một phiên bản tốt đẹp hơn tôi của hiện tại, cô ấy luôn mỉm cười và nói rằng “Cứ đi đi, hãy làm thật nhiều những điều ý nghĩa và truyền nguồn năng lượng tích cực, tươi mới cho tất cả mọi người.”

 “Cứ đi đi, phải đi thì mới biết mình đến đâu được.” – Sơn Tùng M-TP

Cảm ơn bạn vì đã đọc bài viết. Sau này mình sẽ chia sẻ nhiều hơn về Nhật Bản, rất mong nhận được ủng hộ của bạn. Hẹn gặp lại ở bài viết tiếp theo.

Hana.

Bài viết liên quan:

Yêu những điều không hoàn hảo 

Nhìn bản thân trong giây phút hiện tại

Những điều mình đã làm trong năm 2021

Những ngày tháng đẹp đẽ cùng Bunri

 

About The Author

hana

Chuyển đến thanh công cụ